Thuế, phí các hãng thu hộ chiếm 10-30% tổng chi phí vé máy bay nhưng thời gian qua, khoản này hầu như không đổi, phần tăng chủ yếu ở mức giá của hãng. Cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Giá vé máy bay nội địa liên tục neo cao. Nhưng theo đại diện Bộ Tài chính, tình trạng này “không phải do thuế, phí”. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước, khẳng định các chi phí tại sân bay khá thấp, “khó làm tăng giá vé”.
Tổng chi phí một vé máy bay nội địa được cấu thành ra sao?
Các hãng hàng không cơ bản tính theo một công thức chung như dưới đây:
Trong đó, VAT các hãng thu hộ ngân sách Nhà nước. Phí sân bay và soi chiếu an ninh là hai khoản các hãng bay thu hộ ACV. Phí soi chiếu an ninh được áp dụng cố định ở mức 20.000 đồng (gồm VAT) mỗi hành khách người lớn, 10.000 đồng với trẻ em.
Phí sân bay áp dụng với 3 nhóm sân bay. Nhóm A là 100.000 đồng (gồm VAT) một khách người lớn gồm các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế, Buôn Ma Thuột và Vân Đồn. Nhóm B (80.000 đồng) gồm sân bay Thọ Xuân, Đồng Hới, Pleiku, Tuy Hòa, Phù Cát, Chu Lai thu. Nhóm C (60.000 đồng) gồm sân bay Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau và Rạch Giá.
Giá bán và phí quản trị hệ thống mới là khoản tiền các hãng hàng không nhận về. Phí quản trị hệ thống hiện được các doanh nghiệp áp dụng mức cố định. Vietravel Airlines đang thu khoản này cao nhất với 486.000 đồng (gồm VAT), Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) thu 450.000 đồng (gồm VAT). Vietjet, Bamboo Airways cùng áp dụng mức 464.400 đồng (gồm VAT).
Riêng giá bán được các hãng thiết lập theo nhiều dải tùy tình hình cung, cầu trên thị trường, cũng như thời điểm mở bán trước mỗi chuyến bay. Tuy nhiên, tổng giá bán và phí quản trị hệ thống không được vượt 4 triệu đồng – mức trần tối đa theo quy định mà hành khách phải trả cho một vé máy bay nội địa (chưa bao gồm thuế VAT và các khoản thu hộ). Mức trần này được áp dụng trên khung các đường bay nội địa dài nhất – 1.280 km trở lên, tương đương với hành trình Hà Nội – Phú Quốc từ ngày 1/3.
Nếu tính theo công thức trên, tổng giá vé cao nhất hạng phổ thông nội địa của Vietnam Airlines trên chặng Hà Nội – Phú Quốc khoảng 4,44 triệu đồng một chiều. Trong đó, thuế VAT và các khoản thu hộ ACV là 440.000 đồng, chiếm 10% tổng giá trị vé máy bay. Tỷ trọng thuế VAT và các khoản thu hộ sẽ tăng lên khi giá bán của các hãng giảm xuống. Tỷ trọng này có thể dao động từ 10% đến gần 30%.
Ví dụ, với các mức vé hãng bán ra là 3 triệu, 2 triệu, 1 triệu và 500.000 đồng, tỷ trọng các khoản này trên tổng giá trị một vé nội địa của Vietnam Airlines tại sân bay nhóm A tương ứng lần lượt 10,4%, 11,6%, 14,3% và 17,7%. Nếu vé được bán mức 0 đồng, tỷ trọng sẽ tăng lên 29,2%.
Tương tự, trong trường hợp Vietjet bán vé ra ở mức 0 đồng nhiều như những năm trước để kích cầu du lịch nội địa, tỷ trọng thuế, phí thu hộ trên một vé của hãng hàng không giá rẻ này khoảng 26,4%.
Giá vé tăng cao, bên nào hưởng lợi?
Theo báo cáo của Cục Hàng không, mặt bằng giá vé (đã gồm thuế, phí) 4 tháng đầu năm nay trên một số đường bay trong nước tăng cao trong so với cùng kỳ 2023.
Tại chặng Hà Nội – TP HCM, giá vé bình quân một chiều của Vietnam Airlines với khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14%). Các hãng Bamboo Airways là 2 triệu (tăng 11%), Vietjet khoảng 1,74 triệu (tăng 25%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu (tăng 15%).
Xét theo mức giá bình quân cao nhất trên “đường bay vàng” này, Vietnam Airlines thực nhận gần 2,32 triệu đồng – tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn các khoản thuế, phí hãng thu hộ ngân sách và ACV tăng 9% lên mức hơn 321.600 đồng.
Trên các đường bay Hà Nội/TP HCM đi và đến Đà Nẵng, giá vé trung bình mỗi chiều của Vietnam Airlines khoảng 1,8 triệu đồng (tăng 17-26%), Vietjet 1,3 – 1,5 triệu (tăng 32-38%), Bamboo Airways từ 1,3-1,6 triệu (tăng 13-29%), Vietravel Airlines 1,1-1,4 triệu (tăng 13-29%).
Nếu tính theo mức giá mạnh nhất trên đường bay này (Vietjet – 1,5 triệu đồng, tăng 38%), trên mỗi vé máy bay, hãng hàng không thực nhận về khoảng 1,27 triệu – tăng 42,6% so với 4 tháng đầu năm 2023. Còn khoản thu hộ ngân sách, ACV gần 195.000 đồng – tăng khoảng 17%.
Tương tự, với mức 1,5 triệu đồng mỗi vé (tăng 29%), Bamboo Airways nhận khoảng 1,36 triệu – tăng 32%, trong khi thu hộ tăng gần 14% lên hơn 206.000 đồng.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến giá vé tăng mạnh, theo Cục Hàng không là do các hãng trong nước thiếu hụt tàu bay. Các hãng trong nước đang chỉ khai thác thực tế 165 – 170 tàu, giảm 40-45 tàu so với mức bình quân cả năm ngoái.
Đồng thời, thị trường nội địa hiện nay cũng gần như phụ thuộc vào năng lực cung ứng của Vietnam Airlines và Vietjet. Pacific Airlines vẫn phải dừng bay sau khi trả hết tàu hồi cuối tháng 3. Đội bay của Bamboo Airways, Vietravel Airlines chỉ còn lần lượt 5 và 3 chiếc. Hai hãng này cũng khó tăng thêm nguồn lực tàu bay trong lúc thị trường thế giới cũng thiếu tàu bay, đẩy giá thuê lên cao.
Cơ quan quản lý dự báo tình trạng chênh lệch cung – cầu này sẽ tiếp tục xảy ra trong cao điểm hè sắp tới, gây ra áp lực với giá vé trên các chặng nội địa, nhất đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.
Vì sao giá vé máy bay tăng cao thời gian tới trên thế giới ?
Còn theo Hiệp hội các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn trước. AAPA cho rằng các hãng đã dần chuyển dịch chính sách giá vé từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút, khuyến khích khách hàng với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành.